Để thể thao Việt Nam vươn tầm châu lục (Bài 3): Hiến kế nâng cao thành tích
VHO- Hôm qua 21.12, Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 đã được tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, HLV, VĐV, đại diện 45 Sở VHTTDL, Sở VHTT và đại diện các ngành Công an, Quân đội, Giáo dục.
GS.TS Lâm Quang Thành cho rằng cần phải đổi mới sáng tạo, áp dụng KHCN vào quy trình đào tạo, huấn luyện của thể thao thành tích cao
Đây là Hội nghị được tổ chức theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, nhằm tìm ra giải pháp để nâng cao thành tích của Thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Giải pháp phải hữu hiệu, không nằm trên giấy
Là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực TDTT, GS.TS Lâm Quang Thành - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT là người đầy tâm huyết và luôn trăn trở với việc cải thiện, nâng cao thành tích của Thể thao Việt Nam. Theo ông, muốn phát triển thể thao thành tích cao, chúng ta phải đổi mới sáng tạo. Đây là cầu nối để khoa học và công nghệ (KHCN) phục vụ trực tiếp việc phát triển thể thao thành tích cao, đặc biệt là lực lượng VĐV đỉnh cao, qua đó tạo bứt phá trong nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện và thành tích thể thao.
“Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thểthao thành tích cao về bản chất là tạo ra và ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, giải pháp công nghệ, giải pháp quản lý đểnâng cao chất lượng, hiệu quả trong các nội dung quan trọng của thể thao thành tích cao (tuyển chọn, huấn luyện, thi đấu, các điều kiện đảm bảo, quản lý...). Đổi mới sáng tạo để tạo động lực phát triển thể thao thành tích cao cần phải đảm bảo ba tiêu chí cơ bản. Thứ nhất, phải tổ chức thực hiện cái mới hoặc ít nhất là có sự cải tiến đáng kể, cái mới hay sự cải tiến có thể là trên thế giới đã làm nhưng chúng ta chưa áp dụng, nay nghiên cứu để vận dụng vào trường hợp cụ thể để mang lại hiệu quả hơn. Thứhai, cái mới so với cái hiện hữu nhưng phải triển khai trên thực tế, không phải ý tưởng nằm trên giấy. Thứ ba, giải pháp, sáng kiến đổi mới sáng tạo trong khi áp dụng phải có tính khoa học nhưng phải cụ thể, thực tiễn và phù hợp, tạo ra giá trị cao và bền vững trong phát triển thể thao thành tích cao”, GS.TS Lâm Quang Thành nêu quan điểm.
Cũng theo vị chuyên gia đầu ngành này thì thể thao thành tích cao Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều thách thức nhưng cũng có những cơ hội để bứt phá và tăng tốc nhờ KHCN và đổi mới sáng tạo. Để đóng góp ý kiến cho “Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030”, ông đề xuất 6 cơ hội áp dụng đổi mới sáng tạo trong phát triển thể thao thành tích cao Việt Nam. Đó là đổi mới sáng tạo thông qua hoạt động nghiên cứu và phát triển lực lượng vận động viên thể thao đỉnh cao; đổi mới sáng tạo thông qua ứng dụng tổng hợp các giải pháp khoa học trong xây dựng lực lượng vận động viên thể thao thành tích cao; đổi mới sáng tạo thông qua ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số trong lĩnh vực thể thao thành tích cao; đổi mới sáng tạo thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tổ chức KHCN; đổi mới sáng tạo thông qua hoàn thiện thể chế, chính sách nghiên cứu, ứng dụng KHCN thể thao; đổi mới sáng tạo thông qua đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về KHCN thể thao.
Đưa ra các nghiên cứu chuyên sâu, GS.TS Lê Quý Phượng lại chỉ ra các giải pháp phòng tránh chấn thương, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và hồi phục cho VĐV thể thao thành tích cao. Trong đó về vấn đề dinh dưỡng cho VĐV thể thao thành tích cao, theo GS.TS Lê Quý Phượng, đối với mỗi người, ăn cái gì và ăn như thế nào là vấn đề rất quan trọng, đối với VĐV lại càng tiên quyết. Kết cấu dinh dưỡng không hợp lý, ăn uống không đáp ứng đủ chất dinh dưỡng mà cơ thể đòi hỏi, tình trạng nhưvậy trong thời gian lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến năng lực vận động, ngược lại điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý có thể cải thiện được năng lực vận động…
Nâng cao thành tích của Thể thao Việt Nam đòi hỏi phải có nhiều giải pháp tổng thể và nguồn lực đủ lớn để thực hiện Ảnh: CỤC TDTT
Vấn đề mấu chốt là kinh phí
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng Phạm Hoàng Tùng nêu quan điểm, trong thể thao hiện đại, có nhiều yếu tố để thành công bên cạnh phương pháp huấn luyện, dinh dưỡng, y học thể thao thì liệu pháp tâm lý có vai trò rất quan trọng đối với kết quả thi đấu. Ngoài lý do về chuyên môn, trình độ, nếu thất bại vì tâm lý không vững càng mang lại nhiều tiếc nuối. Điều này cho thấy tầm quan trọng của công tác chuẩn bị tâm lý cho VĐV thể thao. Hội chứng bị ảnh hưởng tâm lý không chỉ ở cầu thủ bóng đá mà còn đối với nhiều VĐV các môn thể thao khác. Chẳng hạn trong môn bắn súng, các xạ thủ nước ta không hề thua kém các nước trong khu vực. Họ có thành tích thi đấu trong nước rất tốt, thậm chí có những nội dung còn đạt tầm châu lục, thế giới, song khi ra nước ngoài thi đấu, nhất là ở các đấu trường lớn nhưASIAD hay Olympic thì lại gặp vấn đề tâm lý.
“Một tâm lý vững vàng và tự tin trong thi đấu thể thao phụ thuộc vào quá trình tập luyện từ nhỏ, vào môi trường sinh sống và vào sự giúp đỡ, định hướng từ huấn luyện viên và chuyên gia tâm lý. Ở những nền thể thao tiên tiến trên thế giới, việc có các bác sĩ, chuyên gia tâm lý và đề cao huấn luyện tâm lý cho VĐV không còn xa lạ”, ông Phạm Hoàng Tùng phân tích và cho rằng dưới góc nhìn quản lý VĐV quốc gia trên phương diện thực hiện các chức trách nhiệm vụ phát triển và các hoạt động thực tiễn của VĐV Việt Nam hiện nay, chúng ta cần phân tích đánh giá các vấn đề liên quan trong đó có yếu tố tâm lý của VĐV trong việc hướng tới thành tích cao nhất.
Cho rằng các giải pháp chuyên môn là rất hữu hiệu, nhưng TS Cao Văn Chóng, Ủy viên BCH Hội khoa học TDTT Việt Nam, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương nhấn mạnh đến yếu tố kinh phí: “Vấn đề mấu chốt trong việc cải thiện thành tích của Thể thao Việt Nam theo tôi là nguồn lực đầu tư. Thực tế cho thấy, mức đầu tư của chúng ta so với một số nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore đã không bằng, chứ chưa nói đến các quốc gia khác trong châu lục. Mục tiêu thì muốn vươn tầm châu lục và thế giới, nhưng thực lực lại chỉ đủ đầu tư ở cấp độ khu vực. Vì thế nói gì thì nói trước hết chúng ta phải giải quyết được vấn đề về kinh phí, về nguồn lực đầu tư cho thể thao nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng. Chắc chắn rằng trong bối cảnh hiện nay chúng ta không chỉ trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước mà phải huy động được các nguồn lực xãhội hóa, cần có cơchế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động thể thao”.
Chắc chắn rằng những ý kiến tâm huyết, đầy trách nhiệm này cùng các ý kiến góp ý tại Hội nghị sẽ là cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn để những người có trách nhiệm của Thể thao Việt Nam tìm được “kim chỉ nam” trong việc cải thiện, nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam trên đấu trường châu lục và thế giới.
Trung tâm huấn luyện tại các nước tiên tiến vào mùa đông có hệ thống sưởi ấm, mùa hè thì có hệ thống điều hòa làm mát nên VĐV lúc nào cũng ở trong trạng thái nhiệt độ ổn định. Vì thế các HLV cũng không phải điều chỉnh giáo án và quá trình tập luyện của các VĐV luôn ổn định. Đây cũng là mức nhiệt độ phù hợp với các cuộc thi đấu quốc tế. Trong khi đó ở nước ta, đa phần các đội tập luyện tại miền Bắc đều phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, lại hay thay đổi nên giáo án của HLV cũng thường xuyên phải thay đổi theo. Chẳng hạn như mùa đông quá lạnh hay mùa hè quá nóng cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình tập luyện của VĐV, vì nếu tính trung bình mùa đông và mùa hè chúng ta bị ảnh hưởng mất gần 3 tháng. Nếu 3 tháng đó không bị ảnh hưởng thì HLV, VĐV sẽ có chu kỳ huấn luyện xuyên suốt. Chúng tôi mong muốn qua Hội nghị và sự quan tâm của các cấp, ngành, các Trung tâm huấn luyện thể thao sẽ được quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện thi đấu. (TRƯƠNG MINH SANG, HLV đội tuyển Thể dục dụng cụ) |
THU SÂM
(Còn nữa)